2.- TỪ ÐỒI TĂNG NHƠN PHÚ ÐẾN THÀNH PHỐ HOA ANH ÐÀO
Sau bốn tháng "thao trường đổ mồ hôi" với chút hy vọng sẽ được đi ngành vào ngày kết thúc giai đoạn một, nhưng khi đã nghe đọc hết danh sách đi ngành này đến ngành khác rồi mà chẳng thấy ngành nào có tên mình được xướng lên, tôi đành phải bắt chước theo cái thành phần đa số còn lại không có ô dù che chở, thản nhiên mà chấp nhận số phận ở lại làm anh lính Bộ binh để tiếp tục cố gắng bò lết thêm bốn tháng nữa hầu chuẩn bị cho mai này ra đơn vị thì may ra cũng còn được "sa trường bớt đổ máu".
Một hôm đại đội tôi đang học tác chiến ngoài bãi, vào lúc cả trung đội tôi đang bố trí chuẩn bị chờ lệnh xung phong tiến chiếm mục tiêu thì bỗng nhiên viên Thiếu úy cán bộ Trung đội trưởng đến ngay vị trí tôi đang ẩn nấp, bảo tôi ngưng tập và lại trình diện Ðại úy cán bộ Ðại đội trưởng lập tức. Thấy mình bỗng nhiên bị gọi trình diện Ðại úy Ðại đội trưởng ngay trong giờ huấn luyện ngoài bãi, tôi rất phân vân không biết mình đã vi phạm điều gì trầm trọng, nhưng đã là nhà binh thì "thi hành trước, khiếu nại sau".
Vai đeo vũ khí và balô, tôi tiến lại chỗ mô đất trống nơi viên Ðại úy Ðại đội trưởng đang đứng cạnh chiếc xe dodge và nghiêm chỉnh trình diện chờ nghe ông ta ra lệnh thì thấy ông ta nhìn tôi không tỏ vẻ gì là hắc ám cả mà chỉ ôn tồn bảo tôi vứt bỏ mấy cành lá ngụy trang rồi theo ông ta lên xe về trại vì từ giờ phút này tôi được miễn trừ mọi công tác để chuẩn bị thanh toán lương phạn và hoàn trả các món quân trang ký mượn để thuyên chuyển tới đơn vị mới vì nhà trường vừa nhận được công điện khẩn của Bộ Tổng Tham Mưu gọi tôi về trình diện trường Võ bị Quốc gia Ðà lạt.
Thật là một sự bất ngờ ngoài mọi ước đoán nên tôi chẳng hiểu gì cả đành sửa lại quân phục cho gọn gàng rồi lẳng lặng theo ông ta lên xe về doanh trại. Trên đường về ông Ðại úy có hỏi tôi trước đây đã từng đi dạy ở trường nào rồi mà nay được chuyển về làm giảng viên tại trường Võ bị. Tôi tự xét mình thì thấy văn cũng chẳng tới đâu, mới tốt nghiệp Văn khoa được một năm, chưa kiếm được một chỗ dạy cho ra hồn thì đã đi lính, còn võ thì chắc chắn là chẳng ra gì rồi thì tại sao lại được chuyển lên trường Võ bị, một quân trường chuyên đào tạo sĩ quan hiện dịch?
Thấy tôi bị gọi về trại một cách bất thần, cả đại đội cũng ngạc nhiên không kém vì tưởng tôi bị Ðiều tra an ninh dẫn đi nhốt chuồng cọp, hay là bị cho ra Trung sĩ nửa chừng, nhưng sau khi ở bãi về, nghe tin tôi được chuyển về Võ bị Ðà lạt, họ cũng lại ngạc nhiên nốt. Vài anh chàng trực Ðại đội hôm đó còn bốc thêm là tôi được chuyển về làm giảng viên trường Võ bị nên sẽ được mang lon Trung úy giả định, thế là một vài anh bắt đầu nhìn tôi với vẻ hơi nể nang ra, có anh còn muốn làm thân để hỏi dò xem tôi dựa vào ô dù nào để được hưởng cái ưu đãi bất ngờ này. Khổ một cái là chính tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại được chuyển về Võ bị vì tôi không phải là loại COCC hay có gia đình chạy chọt nên cũng không biết sao mà nói.
Mấy ngày sau đó tôi chỉ việc loanh quanh mấy phòng ban có nhiệm vụ làm thủ tục để thanh toán lương tiền, hoàn trả vũ khí cũng như các món quân trang thuộc loại ký mượn. Trả xong khẩu garant, tôi thấy mình như nhẹ nhõm cả người nhưng khi cầm cái sự vụ lệnh thì thấy ghi lý do thuyên chuyển chỉ ngắn gọn có mấy chữ: "thực tập giai đoạn 2", tôi lại đâm ra phân vân không biết khi lên đó liệu mình có còn phải lãnh một khẩu garant khác để tiếp tục tập chung với đám SVSQ hiện dịch không, vì như thế chẳng khác gì tôi sẽ phải vác nó một cách gay go hơn, điều mà tôi không muốn tí nào.
Cùng chung lệnh thuyên chuyển về Võ bị một lượt với tôi còn có bốn SVSQ cùng khóa nhưng vì mỗi người một đại đội khác nhau và chưa hề quen biết nhau, chỉ có Hùng vốn là bạn cùng học chung Văn Khoa với tôi nhưng mới đây không hiểu hắn lạng quạng sao đó mà bị té gãy xương vai nên đang nằm quân y viện, do đó người nào cũng chỉ biết ai lo phận nấy, và anh nào xong lúc nào thì rời trường lúc ấy cho nên cũng không hề gặp nhau. Chính vì vậy mà sau khi hoàn tất mọi thủ tục, tôi cũng chỉ một mình trong bộ đồ tác chiến, lưng đeo ba lô, vai vác sac marin, bước ra khỏi cổng số 1, lại bến xe Chợ Nhỏ đón xe lam về Sài gòn. Bác tài xế xe lam thấy tôi lếch thếch rời trường nửa chừng xuân như thế này, tưởng tôi bị cho ra Trung sĩ nên khẽ an ủi một câu làm tôi suýt bật cười.
Ðể tiện việc đón xe đi đây đi đó, về tới Sài gòn tôi không về nhà bên Khánh Hội mà ghé lại nhà cô Chín ở tạm vì nơi đây gần trung tâm thành phố nhất. Cũng giống như bác tài xe lam vừa rồi, nhác thấy tôi đột nhiên xuất hiện với mớ hành trang lên đường vào lúc chưa mãn khóa như thế này, ai cũng ngạc nhiên và có vẻ như ái ngại cho tôi, nhưng khi nghe tôi cho biết lý do và kể luôn câu chuyện bác tài xe lam vừa an ủi tôi lúc nãy thì ai cũng bật cười và lại còn mừng cho tôi nữa.
Vì cũng gần vào dịp nghỉ Tết nên tôi được hưởng 10 ngày phép đặc biệt qua sau Tết mới phải trình diện cho nên vừa ghé bỏ hành trang tại đây, tôi bắt đầu chương trình của mình bằng việc đến ngay Trung tâm Tiếp vận xin phương tiện di chuyển cho yên chí rồi tính sau. Viên hạ sĩ quan phụ trách ở Trung tâm sắp cho tôi đi vào chuyến máy bay ngày mồng 5 tết. Ngày này những người tin dị đoan thường hay kiêng đi xa nhưng tôi lại cho là may vì thấy mình còn được ở lại Sài gòn cho đến ngày cuối của hạn nghỉ phép chứ không phải đi sớm.
Sau khi lo xong phương tiện di chuyển rồi, kể như tôi hoàn toàn thong thả bèn bắt đầu trút bỏ bộ đồ lính để mặc trở lại mấy bộ quần áo dân sự mà gần nửa năm nay không hề xử dụng đến, rồi tha hồ rong chơi đây đó. Mà lạ thật, bây giờ với cái giấy nghỉ phép trong túi, tôi khỏi lo né tránh mấy thầy cảnh sát hay ông quân cảnh như lúc chưa đi lính thì lại chẳng thấy ông thầy nào thổi tu huýt gọi lại hỏi giấy tờ cả. Chắc có lẽ vì nhờ có bộ da rám nắng và cái đầu tóc ngắn ba phân của tôi.
Sau khi hưởng xong cái Tết, đúng ngày ấn định, mới 5 giờ sáng tôi đã đóng bộ đồ SVSQ và mang hành trang đón xe lên cổng Phi Long để vào khu phi trường quân sự. Hành khách hầu hết là quân nhân thuộc nhiều đơn vị chờ đáp nhiều chuyến bay khác nhau. Cùng đi chung chuyến bay với tôi, ngoài một số quân nhân, còn có một số SVSQ mang an pha đỏ và phù hiệu Võ bị, chỉ có mình tôi mang phù hiệu Thủ đức. Lúc gọi tên ra sân để lên phi cơ, thấy tôi có vẻ đơn độc lúng túng với mớ ba lô, túi xách, và cái sac marin của mình, trong khi các SVSQ kia đều mang một túi xách gọn nhẹ, một SVSQ Võ bị đã giúp tôi mang bớt hành lý và gợi chuyện với tôi. Sau khi nghe tôi kể qua mục tiêu chuyến đi của mình, anh SVSQ nọ mỉm cười và cho tôi biết là như vậy thì anh ta sẽ phải gọi tôi bằng thầy và giới thiệu tôi là thầy với các SVSQ khác. Tôi hơi ngạc nhiên về lối xưng hô chẳng có vẻ nhà binh tí nào của anh SVSQ này nhưng dù sao thì đây cũng là điều nhận xét đầu tiên của tôi về cái điều khác biệt của người SVSQ trường Võ bị.
Chiếc phi cơ C 47 cất cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất từ 7 giờ sáng và tôi dự tính thì chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là mình đã có mặt ở trường Võ bị để trình diện kịp trong ngày nhưng khi mà chiếc máy bay này đáp xuống phi trường Liên Khương để thả đám SVSQ Võ bị và tôi xuống thì cũng đã xế chiều. Chả là chuyến bay này không đi thẳng lên Ðà lạt ngay mà đầu tiên là ghé Ban Mê Thuột thả một số hành khách xuống, xong lại bay lên Pleiku Kontum gì đó rồi bay xuống Nha Trang. Tại đây mấy ông phi công vào Câu lạc bộ ăn uống và nghỉ ngơi mãi tới gần ba giờ mới lại khởi hành bay lên Ðà lạt nhưng lại đáp xuống Liên khương chứ không phải phi trường Cam Ly. Từ Sài gòn lên Ðà lạt khoảng cách đường bộ chỉ 300 cây số và nếu tính theo đường chim bay thì còn ngắn hơn. Hành khách đáp xe ca du lịch thì chỉ mất khoảng sáu tiếng đồng hồ nhưng tôi đi máy bay quân sự nên mất gần cả ngày mà còn cách thành phố 30 cây số đường bộ.
Ra khỏi phi trường Liên khương thấy vắng hoe tôi cũng chưa biết làm sao về thành phố thì may đâu đám SVSQ đón được chiếc taxi về Ðà lạt nên tôi cũng lại đi theo chung với họ. Thật ra thì Ðà lạt không hẳn là hoàn toàn xa lạ với tôi vì hồi chú Cọp mới thôi làm Giám đốc Nha Công An Trung Việt về lại Sài gòn ở thì Tết năm đó chú có cho cả nhà lên chơi Ðà lạt mấy ngày và có cho tôi đi theo. Lần đầu tiên đến Ðà lạt tôi cứ tưởng như lạc đến một xứ nào bên Âu châu nên thích lắm, nhưng lúc ấy chú chỉ chở gia đình đến thăm vài thắng cảnh chứ không hề đi đâu qua những khu quân sự, nên tôi cũng chẳng biết trường Võ bị nằm về phương hướng nào.
Còn cậu mợ Ðôn có một ngôi biệt thự ở Ðà lạt để trống, chỉ thỉnh thoảng đưa gia đình lên nghỉ mát, nhưng tôi lại chưa đến bao giờ. Tuy nhiên hôm vừa rồi tôi đến thăm chúc Tết cậu mợ Ðôn và cho biết tôi đã được đổi về làm việc ở Ðà lạt nên muốn kiếm một phòng trọ thì mới biết căn nhà đó đã cho Phái đoàn Cố vấn Mỹ thuê dùng làm văn phòng từ hồi cậu về hưu. Ngược lại, thấy tôi sắp lên Ðà lạt, cậu mợ lại nhờ tôi mang giúp lá thư và một món quà gửi cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế.
Khi chiếc taxi về đến khu Hoà Bình thì mấy anh chàng SVSQ kia xuống xe và rủ nhau đi chơi vì chưa hết phép. Còn lại mình tôi thấy đã tới giờ tan làm buổi chiều nên cũng không thể vào thẳng trường trình diện được nữa. Vì có lá thư và món quà cậu Ðôn nhờ chuyển giao cho cha Bề trên dòng Chúa Cứu Thế, tôi bèn nói với bác tài taxi chở tôi đến nhà dòng. Thấy bác tài đòi một số tiền khá cao, tôi nghĩ là bác ta bắt chẹt tôi nhưng khi thấy xe chạy hoài, qua không biết bao nhiêu cánh rừng mà vẫn chưa tới, tôi mới thấy mình đã nghĩ oan cho bác tài vì không ngờ nhà dòng ở cách xa thành phố như vậy.
Cuối cùng khi đến nơi tôi mới nhận ra cơ sở nhà dòng nằm biệt lập trên một ngọn đồi, xung quanh toàn là rừng thông vắng vẻ. Hoàng hôn đang xuống tạo cho tôi một cảm giác gần như lạc lõng. Bước vào dòng xin gặp cha Bề trên và trình lá thư với món quà của cậu Ðôn gửi, được cha Bề trên hỏi thăm qua loa rồi cho gọi một thầy đến lo sắp đặt cho tôi tạm trú qua đêm. Sau đó cả cha Bề trên và ông thầy dòng đều đi vào trong. Lúc sau ông thầy dòng ra mời tôi qua một phòng nhỏ bên cạnh dùng cơm tối và sau đó đưa tôi ra gian nhà phía trước cửa nhà dòng dùng làm nơi cho khách phương xa tạm trú, mở cửa một căn phòng và đưa tôi vào đó để nghỉ đêm rồi cáo từ.
Vì cả ngày đi đường mỏi mệt nên sẵn chỗ ngủ có đủ gối mền dày và ấm nên tôi nằm ngủ liền một mạch tới sáng bét mới thức dậy. Mặc bộ đồ dân sự và khoác thêm cái jacket cho ấm, tôi bước ra ngoài dạo quanh sân nhìn cảnh vật thấy vắng lặng quá, chưa biết làm gì thì chợt thấy có chiếc xe lam đậu gần đó sắp chạy, tôi sực nhớ hôm trước cô Chín có cho tôi tên một người bà con làm việc ở toà Thị Chính Ðà lạt nên bèn nhờ bác xe lam chở về thành phố.
Ðến toà Thị Chính tôi xin vào tìm gặp được người bà con của cô Chín. Mặc dù ông ta và tôi chưa hề biết nhau nhưng vì ông ta từng biết tiếng cha tôi cho nên khi nghe tôi trình bày mục đích của mình, ông ta đã sốt sắng xin phép nghỉ rồi lấy chiếc môtô của mình chở tôi vô lại dòng Chúa Cứu Thế để lấy đồ đạc rồi đưa về nhà ông ta, một căn nhà tôn mới cất nằm trong một lũng đất mà mấy người dân chạy loạn từ các tỉnh miền Trung mới lên chiếm cư sau vụ đảo chính ông Diệm, gần khu Yersin. Bà vợ cũng chưa biết tôi nhưng nghe tôi đã từng ở Bình Ðịnh thì cũng là bà con cho nên bảo tôi nếu cần thì cứ ở đây cho vui vì nhà chỉ có hai vợ chồng và một người cháu. Tôi chưa biết việc ăn ở của mình sẽ được nhà trường sắp đặt ra sao nên sau khi ăn cơm trưa xong, tôi lại thay quân phục rồi mang tất cả hành trang theo nhờ ông ta chở vào trường để trình diện.
Ðường vào trường cũng khá xa vì tôi thấy ông ta chở tôi chạy qua khỏi hồ Than Thở rồi mà còn phải đi qua cả một khu rừng thông nữa mới thấy khu trường Võ bị. Ðến ngôi cổng cùng một kiểu kiến trúc như cổng Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài gòn nhưng ngay mặt tiền có câu châm ngôn bằng chữ nổi "Tự thắng để chỉ huy" thì ông bà con Bình Ðịnh kia không có phép nên phải quay về, còn tôi xuất trình sự vụ lệnh và được anh quân cảnh chỉ cho tòa nhà Bộ Chỉ Huy để đi vào. Trong cái lạnh của tháng giêng ở Ðà lạt, tôi chỉ đóng trên mình bộ đồ vàng SVSQ Thủ đức với cặp cầu vai con cá một vạch, lỉnh kỉnh ba lô, sac marin đi thẳng vào toà nhà Bộ Chỉ huy trường Võ bị để trình diện.
Kể ra lúc mới bước chân qua cổng Nam quan và nhìn vào bên trong thấy toàn là những tòa building to lớn khang trang nhưng trông thật vắng lặng, chỉ loáng thoáng bóng dáng một vài sĩ quan trong bộ quân phục mùa đông bằng dạ màu sẫm, khác với bộ đồ kaki vàng mỏng manh của tôi khiến cho tôi cũng cảm thấy dè dặt. Tuy nhiên sau khi đã vào trình diện Ðại tá Chỉ huy trưởng rồi được lệnh qua Văn hóa vụ trình diện Thiếu tá Văn hóa vụ trưởng, tôi thấy mấy vị sĩ quan này lại tỏ ra có vẻ văn hơn mấy ông sĩ quan cán bộ ở Thủ Ðức nên cũng thấy tâm hồn như nhẹ nhõm ra.
Sau khi trình diện xong mấy cấp lớn tôi được ông Ðại úy Trưởng Phòng Ðiều hành cho biết là tôi được phân phối về khoa Nhân văn và chỉ cho tôi phòng của Trưởng khoa để trình diện. Vừa bước vào thì thấy ông Ðại úy Trưởng khoa đang ngồi lúi húi viết lách gì đó ở bàn làm việc. Tôi đứng nghiêm giơ tay chào và trình diện theo đúng nguyên tắc nhà binh: "SVSQ... số quân... trình diện Ðại úy" vừa lúc ông ta ngửng đầu lên thì ơ hay, đúng là ông bạn đồng môn già gốc nhà binh từng học chung ở Văn khoa ngày nào. Ông ta cũng vừa nhận ra tôi nên tỏ vẻ ngạc nhiên không kém.
Thực ra trước đây ông ta và tôi học chung Văn khoa nhưng không cùng lớp nên cũng chỉ biết mặt chứ không hề biết tên nhau cho nên hôm nay gặp nhau đây thì cũng có thể coi là chỗ quen biết cũ nên ông ta gọi tôi bằng cậu, có điều cái bài học quân phong quân kỷ tôi hãy còn thuộc lắm vì từ khi vào Thủ Ðức, chỉ ông Chuẩn úy thôi cũng đã có quyền phạt tôi xiểng liểng thì nay so sánh cái con cá nằm trên cầu vai của mình và ba mai vàng trên cầu vai của ông ta, tôi không dám gọi là anh mà chỉ một hai thưa Ðại úy.
Sau khi được ông ta hướng dẫn sơ qua về nhiệm vụ đồng thời đưa cho tôi một xấp tài liệu in ronéo sẵn bảo mang về đọc để ngày mai bắt đầu vào lớp dạy ngay, ông ta thấy tôi lỉnh kỉnh hành trang bên mình thì biết là tôi cũng chưa có chỗ ở bèn bảo tôi về ở tạm với ông ta trong cư xá sĩ quan vài bữa trong khi chờ phòng Tiếp vận cấp chỗ ở, nhưng khi nghe nói nhà trường cũng có xe đưa đón nhân viên ở ngoài phố đi làm hàng ngày nên tôi lại muốn về nhà người bà con Bình Ðịnh ngoài phố cho thoải mái hơn.
Vừa lúc ấy thì cũng tan giờ các lớp học chiều. Hai thiếu úy cùng khoa bước vào và tôi đang định đứng dậy chào thì hai ông nọ đã niềm nở lại bắt tay. Thì ra mấy ông này cũng là gốc nhà giáo bị động viên Thủ Ðức rồi được chuyển về đây dạy văn hóa. Hai ông thầy này đang phải gồng mình gánh thêm mấy lớp nên nay thấy có dân mới đến tăng cường thì hớn hở ra mặt. Mặc dù ông nào cũng đóng trên mình bộ quân phục mùa đông bằng dạ màu sẫm mang phù hiệu Võ bị nhưng trông có vẻ lè phè và xưng hô "toi, moi" với tôi chứ không "réc-lô" như mấy ông hiện dịch. Nghe tôi ngỏ ý muốn về phố, ông thiếu úy nhà ở ngoài phố và đi làm bằng xe hơi riêng tình nguyện chở tôi về. Lúc ra đứng ở tiền sảnh tòa nhà H chờ ông thiếu úy còn bận tí việc chưa ra, tôi đưa mắt nhìn quanh và nhận thấy tại một góc tường có gắn một tấm biển bằng đá cẩm thạch có ghi dòng chữ: "Viên đá đầu tiên do Tổng thống Ngô Ðình Diệm đặt ngày..."
Thật ra cái danh xưng Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu từ khi Tổng thống Diệm ban hành sắc lệnh cải tổ chương trình huấn luyện của trường này bao gồm cả phần giáo dục về văn hóa bậc đại học để đào tạo những sĩ quan hiện dịch văn võ song toàn cho quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cậu Kiên, người cậu họ cùng trạc tuổi tôi, thấy con đường văn võ song toàn này mở ra cho mình một tương lai đúng lúc vừa tốt nghiệp xong Tú Tài, nên đã tình nguyện vào đây. Ngày ấy cậu có rủ tôi theo cậu nhưng thể chất tôi ốm yếu còn bản chất không thích nghiệp võ nên tôi đã theo Văn khoa và nghĩ rằng mình chả bao giờ có cái duyên nợ gì với cái quân trường này cả.
Cuộc đảo chính ông Diệm đã làm cho tình hình chiến sự trở thành tồi tệ và nhu cầu chiến trường đã khiến cho kế hoạch đào tạo sĩ quan thời bình bị rút gọn lại cho nên cậu Kiên chưa kịp hoàn tất cái chương trình 4 năm thì cũng đã phải ra trường đi chiến đấu. Phần tôi tuy đã chọn con đường văn nhưng sau khi xong Văn khoa thì vì tình hình chiến cuộc mà cũng bị động viên vào Thủ Ðức. Ðúng vào lúc này trường Võ bị cũng bắt đầu tái lập chương trình huấn luyện 4 năm, và gần như là sự an bài của định mệnh khiến cho tôi cũng lại phải bước chân vào đây, có điều không phải vì tôi muốn đeo đuổi nghiệp võ như cậu Kiên mà chỉ vì nhà trường lại đang cần một chút văn của tôi để truyền lại cho những lớp người đang nối gót đàn anh chọn nghiệp võ làm con đường đi của mình.