Thiện Giao, Phóng Viên Đài RFA
RFA - Buổi ra mắt tác phẩm nghiên cứu lịch sử về chiến tranh Việt Nam của giáo sư Andew Wiest tại thành phố Falls Church có thể được xem là cơ hội để những người bạn cũ, những đồng đội cũ, của 40 năm trước gặp lại nhau.
Họ có thể là những mảnh vụn, bị phân tán khắp nơi sau khi chia tay, để rồi, với tác phẩm nghiên cứu của Wiest, họ lại được sắp vào nhau như một khoa học ghép hình, góp phần tái lập lại hình ảnh đúng đắn hơn cho một quân đội, theo lời giáo sư Wiest, gần như chưa bao giờ được thế giới Tây Phương thừa nhận và đối xử công bằng. Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật tại chỗ sau đây.
Thành phố Falls Church, ngày 17 tháng Hai, năm 2008. Tại buổi lễ ra mắt tác phẩm nghiên cứu lịch sử của giáo sư Andrew Wiest. Tác phẩm có tên “Vietnam’s Forgotten Army. Heroism and Betrayal.”
“Hãy cho tôi giải thích tại sao tôi viết cuốn sách này. Tôi chỉ mới 14 tuổi khi Sài Gòn thất thủ, còn quá trẻ cho cuộc chiến Việt Nam! Nhưng tôi đã nhìn thấy cuộc chiến ấy mỗi ngày, trên tivi, trong ánh mắt những thanh niên Hoa Kỳ đàn anh trở về từ chiến trường Việt Nam, trên khuôn mặt những người Việt Nam được các nhà thờ trong địa phương bảo trợ sang Hoa Kỳ sau cuộc chiến.
Nhưng tôi cũng nhận ra một điều: không một ai có thể giải thích cuộc chiến ấy! Đối với tôi, đó là một bí ẩn. Và chắc hẳn, đó cũng là bí ẩn trung tâm của thế hệ chúng tôi. Và tôi quyết định đi tìm câu trả lời.” (Tiến sĩ Andrew Wiest)
Cuộc chiến không thể diễn tả hết bằng giấy mực:
Andrew Wiest, giáo sư sử học, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Tranh và Xã Hội tại đại học Southern Mississippi trình bày nguyên ủy ra đời của tác phẩm “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Một Quân Đội Bị Quên Lãng. Anh Hùng và Kẻ Bội Phản.”
Đối với Andrew Wiest, chiến tranh Việt Nam là một lớp học không có giáo sư, một cuốn sách không có tác giả, một điều cấm kỵ mà dường như hầu hết người Mỹ muốn quên đi.
Wiest không chọn thái độ đó, và ông quyết định một phương pháp giảng dạy mới. Đó là, mời các cựu chiến binh đến giảng bài, và sau đó, chính ông đưa họ cùng các sinh viên sang Việt Nam, để tìm hiểu chiến trường của hơn 30 năm trước, và cũng để đi tìm diện mạo của một quân đội mà ông gọi là “bị bỏ quên.”
“Trong thời gian ở Việt Nam, tôi gặp một người đàn ông có tên là Phạm Văn Đính, đã tham gia chiến tranh Việt Nam. Qua câu chuyện ông ta kể, tôi thấy ông ta là một bí ẩn. Tôi tin rằng, tôi sẽ cần phải nói chuyện với ông ta nhiều hơn nữa để học hỏi.
Sau khi trở lại Hoa Kỳ, tôi hỏi rất nhiều người về Phạm Văn Đính. Tất cả đều nói, nếu tôi muốn biết nhiều hơn về Đính, có một người có thể kể cho tôi. Người đó tên là Trần Ngọc Huế, đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp theo một con đường hoàn toàn khác Phạm Văn Đính.” Và cuốn sách ra đời. Tác phẩm của Wiest là một công trình thuần túy lịch sử, nhưng cấu trúc được xây dựng lạ lùng, và chủ đề được tiếp cận nhân bản.
Cuộc gặp gỡ định mệnh:
“Anh Hùng và Kẻ Bội Phản” cũng đầy những con số, địa danh, tên gọi, tổn thất. Nhưng “Anh Hùng và Kẻ Bội Phản” không lạnh lùng, vô cảm. Tác phẩm được xây dựng trên 2 nhân vật chính, có thật, hoàn toàn có thể kiểm chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hai nhân vật có tên Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế.
Cả hai gặp nhau trong một sự sắp xếp trớ trêu của định mệnh. Trước hết, họ là đồng hương, là người Huế, và cùng yêu cố đô với tình cảm mãnh liệt. Cả hai đều chọn binh nghiệp. Sĩ quan Phạm Văn Đính, sinh năm 1937, tốt nghiệp trường Võ Bị Thủ Đức, sĩ quan Trần Ngọc Huế, sinh năm 1942, tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Con đường binh nghiệp của cả hai sĩ quan trẻ gặp nhau tất cả 5 lần.
Bốn lần đầu, trong vinh quang, khi cả hai cùng liên tiếp được thăng cấp rất nhanh trong vai trò sĩ quan tác chiến. Sự gan dạ và các chiến tích của họ được tác giả cuốn sách gọi là “Thời Đại Của Những Anh Hùng.”
Lần gặp thứ năm, cũng là lần cuối cùng, cả hai không thể lường trước, về hoàn cảnh, về địa điểm, và cả tư thế. Lần gặp này, một trong hai người sẽ phải ân hận cho đến cuối đời.
Một quân đội anh hùng:
Tạm rời câu chuyện của Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế để trở lại hành trình tìm hiểu chiến tranh Việt Nam của tác giả Andrew Wiest. “Không như những gì thế giới Phương Tây đã nghĩ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong 20 năm. Anh dũng hơn cả những gì mà thế giới Tây Phương, cho đến thời điểm này, vẫn viết, vẫn tin và vẫn hình dung. Trong các trận đánh, từ chiến trường nhỏ trước Mậu Thân, và mở rộng ra sau đó, họ đã chiến đấu rất can đảm và hiệu quả.”
Wiest, ở tuổi 14 khi chiến tranh kết thúc. Có thể xem Wiest là thế hệ hậu chiến. Wiest, tại sao bị ám ảnh bởi cuộc chiến? Cuộc chiến tranh Việt Nam là vậy. Hãy nghe nhận định của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một diễn giả trong buổi ra mắt sách.
“Những câu chuyện thân tình mà Trung Tướng William Bolt vừa kể về Trần Ngọc Huế cho thấy ông tin rằng Huế đã chết, thế mà đột nhiên ông ta lại xuất hiện. Cuộc chiến Việt Nam là như vậy. Khó hiểu thật.
Tôi thuộc vào thế hệ chiến tranh, và tôi không thể lấy cuộc chiến ấy ra khỏi đầu tôi, rõ ràng là như vậy. Thế nhưng những thế hệ trẻ hơn, chẳng hạn giáo sư Wiest, tác giả cuốn sách này, thì rõ ràng, cuộc chiến Việt Nam lại quay về, và ám ảnh chúng ta.”
Hãy quay trở lại với hai sĩ quan trẻ Trần Ngọc Huế và Phạm Văn Đính. Hãy hình dung chiến trường Tchepone, Hạ Lào, gần 40 năm về trước.
Một đêm cuối tháng Ba năm 1971, trong khuôn khổ chiến dịch Lam Sơn 719, Trần Ngọc Huế lúc đó đang ở Tchepone, bị thương và ngất lịm. Ông ra lệnh cấp dưới mở đường máu thoát thân, để ông lại trận địa nhằm tránh gây cản trở trên đường tháo lui. “Giấc Mơ Bị Vỡ Vụn,” là tên của chương sách nói về trường hợp sĩ quan Trần Ngọc Huế bị bắt làm tù binh.
Cử tọa Hoa Kỳ trong ngày ra mắt “Anh Hùng và Bội Phản.” Người ngồi hàng đầu bên trái là thiếu tướng hồi hưu Creighton Abrams (con trai cố đại tướng Creighton Abrams), người thứ ba từ trái sang là trung tướng hồi hưu William J. Bolt. Người thanh niên ở bìa phải là trung tá Mike Cooligan, đại diện thân phụ, đại tá Jim Cooligan (cũng là một cố vấn tại Huế giai đoạn 1968), đến tham dự lễ ra mắt sách. (Hình: Thiện Giao/RFA)
Về phần Phạm Văn Đính, trong giai đoạn cuối của hành quân Lam Sơn 719, được lệnh đưa đơn vị đến Khe Sanh để yểm trợ và đóng cửa căn cứ. Vòng vây Bắc Việt xiết chặt, tình thế hiểm nghèo. Phạm Văn Đình 2 lần nhận được yêu cầu của phía Bắc Việt: Đầu hàng để được toàn mạng. Trung tá Phạm Văn Đính quyết định đầu hàng, ở tuổi 35, khi còn 2 tháng nữa thì được vinh thăng đại tá. “Kẻ Bội Phản” là chương sách nói về trường hợp của trung tá Phạm Văn Đính.
Một năm sau, tại một trại tù binh ở Sơn Tây, trung tá Đính và thiếu tá Huế gặp nhau lần thứ năm. Huế bàng hoàng nhận ra, trung tá Đính của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, bây giờ đã là trung tá Đính quân đội nhân dân, đến gặp, nói chuyện và tế nhị chiêu dụ thiếu tá Huế hợp tác với miền Bắc. Thì ra, chỉ một thời gian ngắn sau khi trung tá Đính đầu hàng, ông đã quyết định đổi bộ quân phục, hợp tác và được chuyển ngang cấp bậc sang phía quân đội Bắc Việt.
Thiếu tá Huế từ chối hợp tác, bị giam đến năm 1973, có tên trong danh sách trao đổi tù binh theo Hiệp Định Paris. Ông được đưa đến địa điểm trao đối tù binh thuộc tỉnh Quảng Trị, có thể nhìn thấy cảnh cũ ở bên kia biên giới, tay đã chạm vào tự do, và rồi, một sĩ quan Bắc Việt tiến đến, nói rằng Huế bị bắt tại Lào nên không phải là tù binh của Bắc Việt. Ông không được trả tự do.
Năm 1983, thiếu tá Huế ra tù, về sống tại Sài Gòn, sau đó sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, cho đến nay.
Trung tá Phạm Văn Đính thì đã qua đời hồi năm ngoái, tại Việt Nam, sau một lần sang Hoa Kỳ để trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Wiest, tác giả cuốn sách đang được nói đến. Tại đây, những đồng đội ngày xưa, tức những kẻ thù bây giờ, kể cả các cố vấn Hoa Kỳ, từ chối gặp mặt ông.
Lịch sử không công bằng:
Tác giả Wiest khẳng định, quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực bị bỏ quên. Trong tư thế một sử gia, Wiest khẳng định, bằng chính nghiên cứu của mình, rằng quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực anh dũng, đã chiến đấu trong cuộc chiến 20 năm để bảo vệ tự do.
Quân lực ấy có rất nhiều anh hùng, nhưng không được lịch sử đối xử công bằng. Wiest nói, Tây Phương chỉ viết về chiến tranh Việt Nam như một cuộc chiến chỉ có người Hoa Kỳ đánh nhau. Thực tế không phải như vậy, và càng không phải như vậy khi người Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Hãy nghe thiếu tướng Creighton Abrams, con trai cố đại tướng Abrams nhắc lại những gì thân phụ ông suy nghĩ.
“Một sĩ quan người Anh đã phát biểu về cha tôi, rằng Abrams giỏi lắm, rất giỏi. Đáng lý ra ông ta phải có một cuộc chiến tốt hơn. Tôi không đồng ý với nhận định ấy.
Đến hôm nay tôi vẫn tin, cũng như cha tôi đã từng nói, quân đội miền Nam Việt Nam đáng cho những gì tốt nhất mà ông đã ra công. Và ông thấy hãnh diện đã từng cùng họ phục vụ một cuộc chiến mà kết thúc cuối cùng không như mong muốn.”
Để kết thúc, xin được giới thiệu trích đoạn trong lời đề tựa trên tác phẩm “Anh Hùng và Kẻ Bội Phản.” Lời đề tựa do thượng nghị sĩ James Webb, cựu Bộ Trưởng Hải Quân, và cũng là cựu chiến binh Việt Nam, viết, có đoạn đại ý như sau:
Câu chuyện của Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế không phải là những câu chuyện dễ cảm nhận. Điều quan trọng không phải là nhìn vào một Việt Nam vươn mình từng năm một vào cộng đồng thế giới. Để hiểu được hai hành trình trái ngược này, phải nhìn vào một Việt Nam những ngày đầu thoát ra khỏi bóng tối của cuộc chiến.
Hãy nhìn như vậy, để cảm nhận một Trần Ngọc Huế chiến sĩ dũng cảm, trả giá đắt cho lòng trung thành nhưng chẳng bao giờ phải trả lời câu hỏi về danh dự. Trong khi đó, con đường mà Phạm Văn Đính đã chọn, ít đau đớn hơn, nhưng lại trở nên phức tạp hơn ở hồi kết thúc.”
Tác giả Wiest nói rằng, sự chọn lựa của hai nhân vật chính, nhất là quyết định “thay đổi bộ quân phục” của Phạm Văn Đính, sẽ do chính độc giả tự đánh giá. Mục đích của Wiest là, thông qua câu chuyện của hai sĩ quan này, trình bày lại sự thật về một quân đội quả cảm nhưng bị đối xử thiếu công bằng về mặt lịch sử.
Mà đó cũng là công việc của Wiest, một sử gia. Có người đã từng phát biểu, rằng “không có sử gia, sự thật sẽ vĩnh viễn nằm trong bóng tối.”
Andrew Weist, thông qua “Anh Hùng và Bội Phản,” đã phần nào đưa được sự thật ra ánh sáng.
Tác giả cuốn "Việt Nam, Một Quân Đội Bị Bỏ Quên" trả lời phỏng vấn RFA
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
RFA - Quyển sách viết bằng Anh Ngữ mang nhan đề “Việt Nam, Một Quân Đội Bị Bỏ Quên: Anh Hùng Và Kẻ Phản Bội Trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” do Giáo Sư Tiến Sĩ Sử Học Andrew Wiest viết, mới được ra mắt hôm Chủ Nhật vừa rồi. Ngay sau buổi ra mắt sách, Tiến Sĩ Wiest đã dành cho Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây.
Nguyễn Khanh: Là người chào đời trong thập niên 60, ông đâu có liên hệ gì với cuộc chiến Việt Nam. Tại sao ông lại viết quyển sách về cuộc chiến ông không hề liên quan?
Tiến sĩ Andrew Wiest: Mặc dù lúc đó tôi còn quá nhỏ, nhưng phải nói là tôi lớn lên với cuộc chiến Việt Nam. Lúc đó truyền hình, báo chí lúc nào cũng nói đến cuộc chiến, và cuộc chiến này có ảnh hưởng sâu đậm với những người lớn tuổi hơn tôi.
Đây là cuộc chiến mang nhiều bí mật. Một cuộc chiến hầu như không được giảng dậy trong lớp học, không được viết thành sách để những thế hệ sau này có thể hiểu những chuyện gì đã xảy ra, một cuộc chiến mà theo tôi, hình như chính người Mỹ muốn quên đi, quên càng nhanh càng tốt, không ai muốn nói tới nó.
Chính những bí mật đó đã khiến tôi chú ý đến cuộc chiến Việt Nam.
Khi tôi quyết định theo học các lớp sử quân sự, tôi hy vọng sẽ được giảng dậy về cuộc chiến này, nhưng chẳng ai nói tới cả. Tôi có cảm tưởng là mọi người muốn bảo tôi rằng quên nó đi, đừng nhắc tới làm gì, và điều đó lại làm tôi càng phải chú ý hơn.
Nguyễn Khanh: Như vậy, phải chăng qua quyển sách này, ông muốn cho người đọc một cái nhìn, một hiểu biết đúng về cuộc chiến? Một cái nhìn, một hiểu biết cân bằng hơn?
Tiến sĩ Andrew Wiest: Tôi hy vọng như vậy. Trong quyển sách, tôi có trình bày là quân đội miền Nam Việt Nam không được sử sách nhắc đến gì mấy, hoặc là quân đội miền Nam Việt Nam không được trình bày một cách cặn kẽ trước người đọc Mỹ. Vì thế trong quyển sách này, tôi giới thiệu đến người đọc hai nhân vật của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một anh hùng, một phản bội, và hy vọng từ đó tất cả mọi người nhìn cuộc chiến dưới những góc nhìn khác nhau.
Tôi cũng hy vọng là hình ảnh tương phản tuyệt đối và đặc biệt này, anh hùng tuyệt đối, phản bội cũng tuyệt đối, sẽ giúp tôi trình bày câu chuyện trong một khung cảnh báo quát hơn.
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa Giáo Sư, cuộc chiến kết thúc đã gần 33 năm rồi, các vết thương có lẽ cũng đã lành. Ở thời điểm như vậy mà ông vẫn bỏ thì giờ để viết về một cuộc chiến chính ông nói mọi người đều muốn quên?
Tiến sĩ Andrew Wiest: Phải thành thật mà nói với ông rằng trong bối cảnh chiến tranh thời đó, thì câu chuyện mà tôi tìm được là một câu chuyện tuyệt vời. Khi lớn lên, tôi được đọc biết bao nhiêu chuyện tuyệt diệu nói về cuộc thế chiến thứ Hai, từ chuyện trốn thoát khỏi ngục từ Đức Quốc Xã, cho đến những câu chuyện anh hùng ở trận chiến Normandy, kể cả chuyện những kẻ phản bội đồng đội.
Khi nghe được câu chuyện của ông Phạm Văn Đính và chuyện của ông Trần Ngọc Huế, tôi cũng chỉ mong mình kể lại được một câu chuyện đầy sống động liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, về cuộc chiến bị quên lãng.
Những người thật sự liên hệ đến cuộc chiến này chính là những người Việt Nam bị bỏ quên. Họ chiến đấu hết sức mình, chiến đấu dũng cảm hơn cả những người đã tham gia các cuộc chiến trước đó. Họ đã chiến đấu trong niềm tự hào của những kẻ anh hùng, và họ cũng đã chiến đấu trong những nỗi khốn cùng của người không may lâm vào cuộc chiến.
Là một sử gia, tôi quyết định tìm cho được những gì mới về chiến tranh Việt Nam, y hệt như những người đi tìm cái mới khi muốn viết về trận thế chiến thứ Nhất. Có cả tỷ tỷ quyển sách viết về trận thế chiến thứ nhất rồi, trong khi cuộc chiến Việt Nam thì chưa, nên tôi mừng vì tìm thấy được một viên hột xoàn quý giá nằm dưới đáy sông. Thành ra, tôi viết quyển sách với một niềm hứng thú.
Nguyễn Khanh: Phải chăng vì thế mà một phần quyển sách được ông đặt là “Việt Nam: Một Quân Đội Bị Bỏ Quên”? Tại sao họ lại bị bỏ quên và họ bị bỏ quên như thế nào?
Tiến sĩ Andrew Wiest: Câu hỏi của ông hay quá!!! Thật ra tựa lúc đầu tôi đề nghị với nhà xuất bản là “Con Đường Danh Dự” vì có một quyển sách thật hay đã được quay thành phim viết về Thế Chiến Thứ Nhất mang nhan đề là “Con Đường Vinh Quang”. Tôi dùng “Con Đường Danh Dự” vì muốn trình bày cho người đọc thấy cả hai nhân vật, một anh hùng, một phản bội đều mang trong lòng ý tưởng “danh dự”, và để cho người đọc phán quyết xem ai là người có thể tin được.
Khi tôi gửi quyển sách đến nhà xuất bản, thì người chịu trách nhiệm đọc và chọn quyển sách nói rằng tựa do tôi đặt không giúp người đọc biết là quyển sách họ cầm trong tay nói về cuộc chiến Việt Nam, cần phải có một cái tựa khác để độc giả biết ngay quyển sách của tôi nói về chuyện gì. Cuộc cùng, chúng tôi đồng ý “Việt Nam: Một Quân Đội Bị Bỏ Quên” là một tựa sách hay, và chúng tôi cũng đồng ý dùng cả lá cờ vàng 3 sọc đỏ chạy ngay trên bìa quyển sách để tạo lôi cuốn.
Còn về câu hỏi ông đặt ra quân đội này đã bị bỏ quên như thế nào? Thưa ông, họ bị bỏ quên vì chẳng ai viết về họ cả. Thế giới Tây Phương không ai muốn viết, muốn nhắc về họ. Qua tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, điều tôi tìm thấy là một lịch sử đấu tranh anh hùng mà hầu như người khác, chẳng mấy ai biết.
Nguyễn Khanh: Và đó là thông điệp mà ông muốn gửi đến người đọc???
Tiến sĩ Andrew Wiest: Tôi nghĩ đây là một thông điệp mạnh mẽ được gửi đến người đọc. Đương nhiên trong cộng đồng người miền Nam, quân đội này không bao giờ bị bỏ quên. Đó là một quân đội trong quá khứ có một sức sống mãnh liệt, và sức sống này vẫn còn hiện diện với họ ngày hôm nay cũng như trong tương lai.
Tôi xin kể cho ông nghe một câu chuyện. Mới đây, khi đến thành phố Adelai ở Australia, tôi ghé thăm Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam và nhìn thấy người lính Australia bên cạnh người lính Miền Nam, nhìn thấy lá cờ Australia bên cạnh lá cờ Miền Nam Việt Nam. Nếu đến Đài Tưởng Niệm ở thủ đô Washington, ông thấy tất cả đều là hình ảnh của người lính Mỹ. Tôi có thể nói là với nhân dân Hoa Kỳ, điều họ nhớ đến là quân đội Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam, nhớ những kinh nghiệm từ bài học Việt Nam. Và đó là lý do tại sao tôi lại dùng từ “bị bỏ quên”.
Nguyễn Khanh: Tôi có cảm tưởng ông đang muốn làm điều mà tôi xin được gọi là sửa lại lịch sử cho đúng. Thưa ông, có phải như vậy không?
Tiến sĩ Andrew Wiest: Tôi không dùng từ “sửa lại lịch sử” mà tôi muốn dùng từ “đóng góp thêm”. Lịch sử cuộc chiến Việt Nam thường chỉ được trình bầy ở bề nổi, không được trình bầy ở bề sâu. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ quyển sách này, mà những quyển sách khác viết về nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, nguyên nhân khu vực, nguyên nhân toàn cầu, nếu người viết thoát được cải vỏ bọc Mỹ Quốc, thì người viết sẽ có được cái nhìn sâu rộng hơn. Tôi tin đó là hướng mà tôi đang đi.
Nguyễn Khanh: Sau quyển sách ra mắt ngày hôm nay, quyển sách kế tiếp ông sẽ viết về đề tài gì? Liệu có phải là cuộc chiến Việt Nam nữa không?
Tiến sĩ Andrew Wiest: Tôi cũng hy vọng như vậy. Như ông thấy, tôi mất 7 năm trời mới hoàn tất được quyển sách này. Có thể là lần này tôi may mắn tìm được một câu chuyện thật tuyệt vời để kể lại với người đọc, đưa ra được những chứng cớ xác đáng để các nhà sử học dùng làm tài liệu nghiên cứu. Là một nhà sử học, đó là mục tiêu tôi đặt hàng đầu: các nhà sử học khác có tài liệu đích thực để tham khảo, và người đọc có được một quyển sách hay để đọc.
Nếu viết thêm về cuộc chiến Việt Nam, có thể tôi sẽ viết về những người đã được tưởng thưởng các huy chương cao quý của quân đội Hoa Kỳ, như huy chương Sao Bạc, Sao Đồng. Tìm tài liệu chắc không khó, nhưng viết ra theo cái nhìn của người viết sử thì rất khó. Tôi không muốn viết một quyển sách để sau đó nghe mọi người bảo quyển sách đọc thì hay, nhưng chẳng có gì để đóng góp cho kho tàng sử liệu cả.
Ngay cả chuyện các cố vấn Mỹ cũng là đề tài đáng viết. Sách nói về cuộc chiến đều là sách nói về các trận đánh, và không ai nói về vai trò của các cố vấn Hoa Kỳ cả. Họ cũng thuộc thành phần bị bỏ quên, và tôi tin đó là một quyển sách đáng viết.
RFA